Ngày 3/7, theo tin từ BV Nhi đồng 2, nơi này đã tiếp nhận 4 ca viêm não Nhật Bản chỉ trong 3 ngày qua. Vậy là sau khi miền Bắc báo động số ca viêm não Nhật Bản đang tăng đột biến thì bệnh đã tấn công vào miền Nam.
Trước đó, BV Nhi Đồng 2 cũng tiếp nhận 3 trẻ bị viêm não Nhật Bản, hầu hết là trẻ dưới 10 tuổi. Trong đó, bé L.H.Q. (8 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) phải thở máy, hôn mê và trong tình trạng nguy kịch. Còn ở BV Nhi Đồng 1, trong 10 bệnh nhi đang điều trị viêm não ở đây, đã xác định 1 bé bị viêm não Nhật Bản là: Hồ Nguyễn Th. Kh. (5 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang). Hiện bé cũng hôn mê nhiều ngày. Chị Lan – mẹ bé Q. ôm con khóc nấc: “Mới vài hôm trước, cháu vẫn ngồi chơi game bình thường rồi cháu sốt cao, co giật; tôi đưa cháu đi bác sĩ tư, họ nói không có sao. Vậy mà sau vài ngày uống thuốc không khỏi, cháu bị lơ mơ và hôn mê đến bây giờ”. Các bác sĩ cho biết: Khi bị vi-rút tấn công, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 7-10 ngày. Bệnh khởi phát với dấu hiệu sốt cao, nhức đầu, nôn ói. Giai đoạn sau đó, vi-rút tấn công lên não gây thay đổi tri giác như lơ mơ, co giật, hôn mê và để lại di chứng nặng nề. Bác sĩ Nguyễn Trần Nam khuyến cáo: Các nước châu Á có tỷ lệ người dân bị viêm não Nhật Bản nhiều so với thế giới gồm: Lào, Trung Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam. Riêng tại các tỉnh phía Bắc thì số ca mắc trung bình là 10/100.000 dân, tử vong khoảng 28%, trong khi miền Nam chỉ rải rác vài ca quanh năm nhưng tỷ lệ tử vong cũng chiếm đến 16%. Cách phòng ngừa là ngủ mùng để không bị muỗi cắn (nguyên nhân lây truyền bệnh) và tiêm vắc xin phòng bệnh. Phunuonline.com.vn
Người viết : admin
Các tin khác :
|